THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: /202../QĐ-TTg
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Hà Nội, ngày tháng năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
Về mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, Nghị định số 81/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện;
Căn cứ Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn Hệ thống thông tin theo cấp độ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Quyết định này quy định về mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước (sau đây gọi là mạng truyền số liệu chuyên dùng) bao gồm: đối tượng áp dụng; nguyên tắc hoạt động; tổ chức mạng; dịch vụ và ứng dụng; kết nối, bảo đảm an toàn thông tin, kinh phí bảo đảm hoạt động của mạng; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan sử dụng dịch vụ của mạng truyền số liệu chuyên dùng
a) Cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên ở trung ương quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này;
b)Cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên ở địa phương quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.
2. Đơn vị cung cấp dịch vụ của mạng truyền số liệu chuyên dùng
a) Cục Bưu điện Trung ương;
b)Các tổ chức liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
a) Trung tâm miền là hệ thống gồm trung tâm dữ liệu, thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, kênh truyền, hệ thống phụ trợ phục vụ chuyển tiếp kết nối trong một miền và giữa miền Bắc, miền Trung, miền Nam.
b)Trung tâm dự phòng là một trung tâm miền phục vụ cho việc bảo đảm an toàn thông tin và khôi phục kết nối, dịch vụ trong trường hợp xảy ra sự cố đối với trung tâm miền.
c) Mạng đô thị là hệ thống gồm thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, kênh truyền, hệ thống phụ trợ phục vụ chuyển tiếp kết nối cho các cơ quan Đảng, Nhà nước tại trung ương tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và chuyển tiếp kết nối lên trung tâm miền.
d)Trung tâm tỉnh là hệ thống gồm thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, kênh truyền, hệ thống phụ trợ phục vụ chuyển tiếp kết nối cho các cơ quan Đảng, Nhà nước tại địa phương và chuyển tiếp kết nối lên trung tâm miền.
2. Mạng truy nhập là hệ thống trung gian gồm thiết bị đầu cuối, kênh truyền phục vụ chuyển tiếp kết nối từ mạng trục tới các cơ quan sử dụng dịch vụ, trung tâm dữ liệu và hệ thống thông tin. Mạng truy nhập gồm mạng truy nhập cấp I và mạng truy nhập cấp II.
3. Trung tâm vận hành, khai thác mạng là trung tâm có vai trò vận hành và duy trì hoạt động của mạng trong phạm vi một miền, bao gồm hạ tầng nhà trạm, hệ thống phần cứng, phần mềm cùng các thiết bị phụ trợ được lắp đặt để.
4. Trung tâm điều hành mạng là trung tâm có vai trò quản lý, giám sát toàn bộ mạng lưới, bao gồm hạ tầng nhà trạm, hệ thống phần cứng, phần mềm cùng các thiết bị phụ trợ.
5. Cổng kết nối là thiết bị mạng, thiết bị bảo mật hoặc thiết bị khác có chức năng tương đương để cung cấp giao diện kết nối giữa hệ thống mạng của cơ quan, tổ chức với mạng truyền số liệu chuyên dùng.
6. Dịch vụ Internet chuyên dùng là dịch vụ Internet kết nối qua cổng Internet của mạng truyền số liệu chuyên dùng để phục vụ các ứng dụng chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước tại trung ương.
7. Địa chỉ Internet (địa chỉ IP) là địa chỉ mạng của thiết bị, máy chủ bao gồm các thế hệ địa chỉ IPv4, IPv6 và các thế hệ địa chỉ mới tiếp theo.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của mạng truyền số liệu chuyên dùng
Mạng truyền số liệu chuyên dùng được thiết lập phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước từ trung ương đến cấp xã bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
1. Thống nhất trong tổ chức, quản lý, kết nối và bảo đảm an toàn thông tin;
2. Bảo đảm chất lượng, an toàn, bảo mật;
3. Trao đổi, chia sẻ dữ liệu và ứng dụng giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước;
4. Các kết nối vào mạng được giám sát, kiểm soát tập trung.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ MẠNG TRUYỀN SỐ LIỆU CHUYÊN DÙNG
Điều 5. Tổ chức mạng truyền số liệu chuyên dùng
1. Mạng truyền số liệu chuyên dùng có phạm vi kết nối từ trung ương đến cấp xã, để cung cấp dịch vụ cho các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định này.
2. Mạng truyền số liệu chuyên dùng bao gồm các thành phần sau:
a) Mạng trục gồm 03 trung tâm miền, 03 trung tâm dự phòng, mạng đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm tỉnh do Cục Bưu điện Trung ương trực tiếp quản lý.
b) Mạng truy nhập gồm mạng truy nhập cấp I có phạm vi kết nối từ trung ương đến cấp tỉnh do Cục Bưu điện Trung ương trực tiếp quản lý, vận hành; mạng truy nhập cấp II có phạm vi kết nối từ cấp tỉnh đến cấp xã.
c) Trung tâm điều hành mạng tại Hà Nội và 03 trung tâm vận hành, khai thác mạng tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh do Cục Bưu điện Trung ương trực tiếp quản lý.
d) Trung tâm vận hành, khai thác mạng tại địa phương.
Điều 6. Dịch vụ và ứng dụng
1. Dịch vụ cung cấp trên mạng truyền số liệu chuyên dùng bao gồm:
a) Dịch vụ mạng riêng ảo;
b)Dịch vụ hội nghị truyền hình;
c) Dịch vụ thoại;
d)Dịch vụ Internet chuyên dùng;
đ) Các dịch vụ khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Ứng dụng trên mạng truyền số liệu chuyên dùng bao gồm:
a) Ứng dụng phục vụ các cơ quan Đảng;
b) Ứng dụng phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số;
c) Ứng dụng phục vụ Quốc hội;
d) Các ứng dụng khác phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Điều 7. Kết nối
1. Kết nối mạng trục: Kết nối giữa các trung tâm miền và kết nối từ trung tâm miền đến mạng đô thị, trung tâm tỉnh bằng hai kênh truyền tốc độ cao theo hai hướng khác nhau.
2. Kết nối mạng truy nhập:
a) Trung tâm dữ liệu, hệ thống thông tin của cơ quan sử dụng dịch vụ kết nối tới mạng đô thị, trung tâm tỉnh bằng kênh truyền cáp quang trực tiếp hoặc hạ tầng truyền dẫn của doanh nghiệp viễn thông bằng hai kênh truyền theo hai hướng khác nhau và đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin theo quy định tại Quyết định này.
b)Cơ quan sử dụng dịch vụ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Quyết định này kết nối tới mạng đô thị, trung tâm tỉnh bằng kênh truyền cáp quang trực tiếp theo hai hướng khác nhau và đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin theo quy định tại Quyết định này.
c) Cơ quan sử dụng dịch vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Quyết định này kết nối tới trung tâm tỉnh bằng kênh truyền cáp quang hoặc triển khai các kết nối trực tiếp qua hạ tầng truyền dẫn của doanh nghiệp viễn thông, đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin theo quy định tại Quyết định này.
d)Cơ quan sử dụng dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định này kết nối với nhau thông qua thiết bị mạng tại các trung tâm tỉnh.
3. Kết nối với các mạng khác thông qua trung kế của mạng truyền số liệu chuyên dùng hoặc qua cổng kết nối tại trung tâm dữ liệu của các cơ quan sử dụng dịch vụ.
4. Bảo đảm thống nhất tài nguyên địa chỉ IP và định tuyến theo quy định tại Quyết định này.
Điều 8. Bảo đảm an toàn thông tin
1. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được phê duyệt và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
2. Cổng kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng bảo đảm an toàn thông tin cấp độ 5.
3. Trung tâm dữ liệu, hệ thống thông tin của cơ quan sử dụng dịch vụ được kiểm tra, đánh giá trước khi kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng.
4. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được giám sát mạng, an toàn thông tin, kiểm soát truy cập tập trung như sau:
a) Cơ quan sử dụng dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định này kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng được quản lý, giám sát mạng, an toàn thông tin, kiểm soát truy cập tập trung tại trung tâm điều hành mạng.
b)Các hệ thống thông tin kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng không tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ hoặc các yêu cầu an toàn tại cổng kết nối sẽ bị ngắt kết nối vào mạng.
5. Thiết bị đầu cuối sử dụng trên mạng truyền số liệu chuyên dùng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Hỗ trợ giao thức quản lý mạng tập trung;
b) Hỗ trợ đồng thời giao thức mạng IPv4, IPv6;
c) Phân tách được kết nối giữa các mạng khác nhau.
Điều 9. Chất lượng
1. Dịch vụ mạng truyền số liệu chuyên dùng phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Mạng truyền số liệu chuyên dùng phải bảo đảm cung cấp dịch vụ liên tục 24 giờ trong 01 ngày và 07 ngày trong một tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, Tết.
3. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được đầu tư trang thiết bị hiện đại để bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Điều 10. Kinh phí bảo đảm hoạt động của mạng
1. Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí đầu tư, hiện đại hóa, nâng cấp, duy trì hoạt động của mạng truyền số liệu chuyên dùng (bao gồm cả chi phí thuê hạ tầng, kênh truyền) để cung cấp dịch vụ cho các cơ quan quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Quyết định này, bảo đảm kinh phí giám sát hoạt động của mạng từ trung ương đến cấp xã.
2. Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí đầu tư, duy trì hoạt động của mạng truyền số liệu chuyên dùng (bao gồm cả chi phí thuê hạ tầng, kênh truyền) để cung cấp dịch vụ cho các cơ quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Quyết định này.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Quyền và trách nhiệm của Cục Bưu điện Trung ương
1. Quản lý, giám sát, kiểm soát truy cập mạng truyền số liệu chuyên dùng bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn và bảo mật.
2. Đầu mối vận hành mạng truyền số liệu chuyên dùng, trực tiếp vận hành mạng trục, mạng truy nhập cấp I, trung tâm điều hành mạng và trung tâm vận hành, khai thác mạng tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.
3. Ban hành quy định về vận hành, tài nguyên địa chỉ IP và định tuyến mạng truyền số liệu chuyên dùng.
4. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý sự cố kỹ thuật, bảo đảm chất lượng trong cung cấp dịch vụ.
5. Chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp viễn thông thực hiện kết nối mạng bảo đảm an toàn thông tin, chất lượng dịch vụ.
6. Được ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho việc đầu tư, hiện đại hóa, nâng cấp, duy trì hoạt động (bao gồm cả chi phí thuê hạ tầng, kênh truyền) và giám sát hoạt động của mạng truyền số liệu chuyên dùng theo quy định tại khoản 1, Điều 10 Quyết định này.
Điều 12. Quyền và trách nhiệm của các cơ quan sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng
1. Các cơ quan quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 2 Quyết định này được sử dụng dịch vụ mạng truyền số liệu chuyên dùng trong phạm vi hoạt động của mạng không phải trả cước dịch vụ.
2. Các cơ quan quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 2 Quyết định này có trách nhiệm kiểm soát truy cập kết nối mạng nội bộ vào mạng truy nhập cấp II.
3. Bảo đảm hạ tầng lắp đặt thiết bị hoạt động ổn định, liên tục và bảo vệ thiết bị và hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng đặt tại cơ quan, tổ chức theo các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
4. Bảo đảm nội dung, thông tin truyền đưa trên mạng truyền số liệu chuyên dùng theo đúng quy định của pháp luật liên quan.
Điều 13. Trách nhiệm của các tổ chức liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ mạng truyền số liệu chuyên dùng
1. Tổ chức thực hiện các quy định về kết nối, chất lượng, dịch vụ, bảo đảm an toàn thông tin theo quy định tại Quyết định này.
2. Tuân thủ các quy định về vận hành, tài nguyên địa chỉ IP và định tuyến.
3. Thiết bị đầu cuối kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng phải đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 8 Quyết định này.
4. Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý sự cố kỹ thuật, bảo đảm chất lượng trong cung cấp dịch vụ mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông
1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, thiết kế mạng, kế hoạch hoặc đề án phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng bảo đảm nâng cao chất lượng dịch vụ, phù hợp với yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn.
2. Ban hành quy định về kết nối, bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn, chất lượng, dịch vụ, danh mục ứng dụng trên mạng truyền số liệu chuyên dùng và chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định này.
3. Phân quyền cho bộ, ngành, địa phương vận hành, giám sát, kiểm soát truy cập mạng truy nhập cấp II.
4. Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động của mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Điều 15. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động của mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông bố trí vốn đầu tư công để đầu tư, nâng cấp và giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Quản lý hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng truyền số liệu chuyên dùng trên địa bàn theo Quyết định này và quy định của pháp luật liên quan.
2. Triển khai mạng truy nhập cấp II tuân thủ các quy định về kết nối, bảo đảm an toàn thông tin, tài nguyên địa chỉ IP và định tuyến theo quy định tại Quyết định này và quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Bố trí nhân lực giám sát, kiểm soát, vận hành mạng truy nhập cấp II.
4. Ban hành danh mục ứng dụng trên mạng truyền số liệu chuyên dùng tại địa phương.
5. Bảo đảm kinh phí từ ngân sách địa phương cho hoạt động của mạng truy nhập cấp II.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2022.
2. Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Thông tư số 43/2017/TT-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mức giá cước tối đa dịch vụ trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Thông tư số 12/2019/TT-BTTTT ngày 05 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT ngày 20/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Biên giới quốc gia, Ban Cơ yếu Chính phủ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KSTT ( ).
|
THỦ TƯỚNG
Phạm MinhChính
|