Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ ba, ngày 26/09/2023

Tổng hợp hỏi đáp Gửi thông tin hỏi đáp

Độc giả: Trịnh Văn Quảng - Tân Bình - Tp Hồ Chí Minh
quangmt06kh04@gmail.com

Kính gửi Bộ Thông tin và Truyền thông

Tôi đang lập dự toán chi phí dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn của thông tư Số: 04/2020/TT-BTTTT ngày 24 tháng 02 năm 2020.

Tôi có thăc mắc là các phần chi phí quản lý dự án, chi phí đào tạo thì có tính thuế VAT không? Nếu có thì tính 10% hay 8%?

Xin trân trọng cảm ơn.

- 1 tháng trước
Trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của độc giả, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Chuyển đổi số Quốc gia) trả lời như sau:

Thông tư số 04/2020/TT-BTTTT ngày 24/02/2020 hướng dẫn về phương pháp xác định các chi phí: chi phí quản lý dự án (khoản 3 Điều 5); chi phí đào tạo hướng dẫn sử dụng, chi phí đào tạo cho cán bộ quản trị, vận hành hệ thống (nếu có) (khoản 2 Điều 5). Việc xác định đối tượng chịu thuế, mức thuế suất giá trị gia tăng được thực hiện theo quy định của pháp luật Thuế giá trị gia tăng. Với nội dung này, đề nghị độc giả lấy ý kiến của Bộ Tài chính để được hướng dẫn thực hiện.

Độc giả: Nguyễn Trung Kiên - Đồng Xoài - Bình Phước
TRUNGKIEN444759@GMAIL.COM

Tôi muốn hỏi là, giờ tôi muốn học để lấy chứng chỉ dựng phim hạng 3, 2 thì học ở đâu ạ. Tôi học Trung cấp phát thanh, truyền hình và Đại học CNTT. Vậy giờ chuyển qua ngạch âm thanh viên có được không và cần những gì. Tôi có tìm hiểu quy định ngạch âm thanh viên nhưng có một số điều bất cập là những năm 2002 đổ lại thì chưa có trường đại học nào đào tạo hệ đại học về âm thanh. Và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bên lĩnh vực PTTH thì ở tỉnh có xét được không hay là phải ngoài Bộ xét ạ. 

- 1 tháng trước
Trả lời:

Liên quan đến câu hỏi của độc giả, Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ) trả lời như sau:

1. Về bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành

Bạn liên hệ Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông

Email: truongdaotaobd@mic.gov.vn

Hotline: 024.37665959 (Giờ hành chính)

Fax: 024.37668994

Địa chỉ: Tầng 19, tòa nhà VNTA, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

2. Về thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành

Căn cứ Điều 29 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định việc thay đổi chức danh nghề nghiệp được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác tương ứng cùng mức độ phức tạp công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm;

- Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

- Xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn tương ứng với chức danh được công nhận, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Khi thay đổi chức danh nghề nghiệp thì phải phải đảm bảo đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn quy định của chức danh chuyên ngành. Hiện nay, Bộ TTTT đã ban hành các quy định sau về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành:

- Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức Âm thanh viên, Phát thanh viên, Kỹ thuật dựng phim, Quay phim thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông;

- Thông tư số 07/2022/TT-BTTTT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức Âm thanh viên, Phát thanh viên, Kỹ thuật dựng phim, Quay phim thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông.

- Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT ngày 26 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức Biên tập viên, Phóng viên, Biên dịch viên và Đạo diễn truyền hình.

- Thông tư số 08/2022/TT-BTTTT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức Công nghệ thông tin và An toàn thông tin.

3. Về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành

Căn cứ Điều 33 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được quy định như sau:

- Tại khoản 1, Bộ TTTT (Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành) chủ trì tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I, sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ về nội dung đề án và chỉ tiêu thăng hạng;

- Tại khoản 2, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II, sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ về nội dung đề án và chỉ tiêu thăng hạng.

Vì vậy, đề nghị độc giả liên hệ trực tiếp với Ủy ban nhân dân tỉnh tại địa phương để được hướng dẫn.

Độc giả: Công Ty TNHH BOX - PAK - 22 đại Lộ Hữu Nghị, KCN Việt Nam - Singapore, P.Bình Hoà, Tp.Thuận An, T.Bình Dương
tuyen@boxpak.com.vn

Kính gửi Bộ Thông tin và Truyền thông

Chúng tôi là công ty sản xuất bao bì bằng carton, trước đây chúng tôi có nhập khẩu máy in theo giấy phép nhập khẩu do Cục Xuất Bản, In và Phát Hành cấp phép, đã đóng đủ thuế Nhập Khẩu và thuế VAT, Hiện tại các máy in đó chúng tôi đã hết nhu cầu sử dụng, vậy trong trường hợp chúng tôi muốn bán VAT ra thị trường nội địa hoặc xuất khẩu ra nước ngoài, thì chúng tôi cần làm thủ tục nào hoặc xin những giấy tờ xác nhận nào của quý cơ quan và cần cung cấp những hồ sơ gì.

Kính mong quý cơ quan xem xét hướng dẫn.

Xin chân thành cám ơn. 

- 1 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Xuất bản, In và Phát hành) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Đối với các thiết bị in khi nhập khẩu vào Việt Nam phải có Giấy phép nhập khẩu thì khi thanh lý căn cứ quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và Điều 79, Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện việc thanh lý.

Độc giả: Nguyễn Thế Tiệp - phường Tân Phong, thành phố Lai Châu
minhtiepvov@gmail.com

 Tôi có thắc mắc xin hỏi quý Bộ.

Theo Thông tư 03/2021/TT-BTTT về quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông tại Điều 6, mục 2. c) Đối với viên chức dự xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III: Trong thời gian giữ chức danh nghệ nghiệp hạng IV được khen thưởng Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trở lên hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Tuy nhiên, tôi có thời gian công tác 14 năm với trình độ cao đẳng nhưng  mới chỉ được xếp hạng hạng IV thời gian từ 1/9/2022 thì những Bằng khen đạt được trong thời gian trước đó có được tính để xét thăng hạng hay không?

Xin trân trọng cảm ơn quý Bộ!

- 1 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

- Viên chức muốn thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng IV lên hạng III phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 4, khoản 3 Điều 5 và điểm c khoản 2 Điều 6 của Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT ngày 25/6/2021 của Bộ trưởng Bộ TTTT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành TTTT.

- Độc giả có thời gian công tác 14 năm với trình độ cao đẳng nhưng mới chỉ được xếp viên chức chuyên ngành TTTT hạng IV thời gian từ 1/9/2022 nên nếu trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV hoặc tương đương tối thiểu là 02 năm đối với trường hợp khi tuyển dụng có trình độ cao đẳng trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT nói trên, độc giả có Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trở lên hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở thì sẽ đáp ứng được quy định về thành tích xuất sắc tại điểm c khoản 2 Điều 6 của Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT nói trên.

Độc giả: Mai Thanh Hải - Quận 5, TP.HCM
haithanhvovct@gmail.com

Thông tư 03/2021/TT-BTTTT về thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức Thông tin truyền thông có quy định tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh Phóng viên hạng 3 là phải đang giữ chức danh hạng thấp hơn liền kề. Như vậy, nếu viên chức loại A0, B đang giữ chức danh khác là không đủ điều kiện để thi thăng hạng đúng không ạ? Ví dụ tôi đang giữ chức danh phát thanh viên hạng 4 muốn thi thăng hạng Phóng viên hạng 3.

- 1 tháng trước
Trả lời:

 Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

- Theo quy định về mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức phóng viên từ năm 1993 cho đến nay (Quyết định số 428/TCCP-VC ngày 2/6/1993 của Bộ trưởng – Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ; Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 07/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Thông tư số 13/2022/TTLT-BTTTT ngày 26/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) chức danh nghề nghiệp phóng viên chỉ có 3 hạng (hạng III, hạng II và hạng I). Hạng tối thiểu là hạng III yêu cầu phải có trình độ đại học trở lên.

Do không có quy định đối với chức danh phóng viên cao đẳng nên việc độc giả được cơ quan bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức loại A0 sẽ không thể thi thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Phóng viên hạng III theo quy định của pháp luật. Độc giả có thể kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để xem xét chuyển chức danh nghề nghiệp viên chức cho phù hợp với quy định của pháp luật. 

2. Việc độc giả đang giữ chức danh phát thanh viên hạng 4 muốn thi thăng hạng Phóng viên hạng 3 không phù hợp với quy định tại điểm 2 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp và Điều 4 Thông tư 03/2021/TT-BTTTT ngày 25/6/2021 của Bộ trưởng Bộ TTTT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành TTTT

Độc giả: Nguyễn Kim Nương - Số 8B4 đường Nguyễn Khuyến, phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang
nguyenkimnuongag@yahoo.com

 Xin hỏi trường hợp như sau:

Tôi có một cháu vào Đài PT-TH làm việc theo hợp đồng từ năm 2002 thực hiện nhiệm vụ Quay phim viên (trình độ Cao đẳng).

Đến đầu năm 2012, căn cứ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và căn cứ năng lực của cháu tôi, GĐ Đài ký QĐ phân công cháu làm Biên tập viên, hưởng lương Cao đẳng (vẫn là hợp đồng). Lúc này cháu đang theo học Đại học Báo chí.

Cuối năm 2015, đơn vị được trao quyền tổ chức xét tuyển đặc cách viên chức đối với những người làm việc từ 3 năm trở lên.

Cháu tôi lúc bấy giờ đã tốt nghiệp ĐH, 4 năm công tác đểu hoàn thành nhiệm vụ, làm hồ sơ dự tuyển vào vị trí Biên tập viên. Được phỏng vấn (theo Giáy báo do Phó chủ tịch Hội đồng Kiểm tra, sát hạch ký) cũng tại vị trí Biên tập viên.

Sau khi Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ trình UBND tỉnh, CT.UBND tỉnh ký QĐ công nhận danh sách trúng tuyển gồm 50 người, trong đó có tên của cháu trúng tuyển vào vị trí Biên tập viên.

Lãnh đạo Đài ký QĐ bổ nhiệm cháu vào ngạch Biên tập viên nhưng ghi mã số là 12a.212 (thay vì 17.141) tức mã số của Quay phim viên Cao đẳng, vẫn xếp lương Cao đẳng.

Bốn tháng sau thì lãnh đạo Đài mới điều chỉnh mã số BTV là 17.141 và xếp lương, cho cháu hưởng lương ĐH đúng với loại viên chức A1.

Đến năm 2021, cháu đạt đủ tiêu chuẩn và được bổ nhiệm chức danh Biên tập viên hạng III (V.11.01.03).

Nay Sở Nội vụ cho rằng cháu vẫn giữ ngạch Quay phim viên Cao đẳng, có lúc lại nói chức danh Quay phim viên hạng IV) vì Kế hoạch tuyển dụng ghi vị trí của cháu đang làm là Quay phim viên (điều  này sai với thực tế vì cháu đã  làm BTV từ năm 2012). Cháu của tôi chưa bao giờ nhận QĐ bổ nhiệm ngạch hoặc chức danh này.

Cho đến nay, cháu đã làm 12 năm tại vị trí Biên tập viên, không có làm ở vị trí nào khác trong khoảng thời gian này.

Sở Nội vụ nói như thế có đúng không? Rất mong lời giải đáp!

Chân thành cảm ơn!

- 1 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ) giải đấp thắc mắc của bạn như sau:

1. Về quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức:

- Theo quy định tại Điều 23 Luật Viên chức thì tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển và xét tuyển.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập  

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Viên chức, làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó và người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.

2. Theo như độc giả có nêu cháu của độc giả dự tuyển vào vị trí việc làm biên tập viên; đã được Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định công nhận danh sách trúng tuyển vào vị trí Biên tập viên và Lãnh đạo Đài ký Quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Biên tập viên nhưng ghi mã là 12a.212 (thay vì 17.141).

Nếu cháu của độc giả đã được tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật đã nêu trên vào vị trí việc làm với chức danh nghề nghiệp Biên tập viên hạng III (mã 17.141 tại thời điểm bổ nhiệm, nay là mã V.11.01.03) nhưng do ghi sai mã là 12a.212, độc giả liên hệ với cơ quan được giao thẩm quyền ký Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức để điều chỉnh lại theo đúng quy định của pháp luật.