Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ hai, ngày 02/10/2023

Tổng hợp hỏi đáp Gửi thông tin hỏi đáp

Độc giả: Quach Gia Hy - Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh
quach628@gmail.com

Kính chào Qúy Cơ quan, hiện nay tôi đang có nhu cầu thực hiện hoạt động bưu chính, thuộc trường hợp cung ứng dịch vụ thư có khối lượng đơn chiếc trên 2kg. Đối với trường hợp này thì tôi phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động bưu chính và thông báo hoạt động bưu chính theo Nghị định 47/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, tôi thắc mắc về việc có thể thực hiện hai thủ tục này cùng lúc không? Hay phải hoàn tất việc cấp giấy phép hoạt động bưu chính mới có thể thực hiện đề nghị xác nhận thông báo hoạt động bưu chính?

- 1 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Bưu chính) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Bưu chính thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kg phải có giấy phép bưu chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính cấp.

- Căn cứ tình huống Ông/Bà đưa ra thì Ông/Bà hiện có nhu cầu thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thư có khối lượng đơn chiếc trên 2kg, thuộc điểm b, khoản 1 Điều 25 Luật Bưu chính quy định về hoạt động bưu chính phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.

Như vậy, Ông/Bà không phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép bưu chính, mà chỉ phải làm thủ tục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính (nếu cung ứng dịch vụ phạm vi liên tỉnh, quốc tế) hoặc Sở Thông tin và Truyền thông (nếu cung ứng dịch vụ phạm vi nội tỉnh).

- Trường hợp Ông/Bà có nhu cầu cung ứng cả dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kg quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Bưu chính và thực hiện các hoạt động bưu chính quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Bưu chính (như: Cung ứng dịch vụ thư không có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kg; cung ứng dịch vụ gói, kiện…)thìÔng/Bà có thể thực hiện đồng thời cả 2 thủ tục đề nghị cấp giấy phép bưu chính quy định tại Điều 6 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật bưu chính, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP  và thủ tục đề nghị cấp Văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính quy định tại khoản Điều 7 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP,  khoản 5 Điều 1 Nghị định số 22/2022/NĐ-CP .

Độc giả: Tô Văn Hà - 219 Trung kính, Hà Nội
hatv@expressway.com.vn

 Kính gửi Bộ TT&TT,

Hiện nay công ty tôi đang cần lập 1 dự án về lĩnh vực CNTT. Với quy mô thì sẽ phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật. Tuy nhiên, để thực hiện bước thuê đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật thì theo quy trình nội bộ chúng tôi phải Lập đề cương nhiệm vụ tư vấn và dự toán chi phí tư vấn. Tuy nhiên chúng tôi không lập được Đề cương nhiệm vụ tư vấn mà cần phải thuê một đơn vị lập. Như vậy, cho tôi hỏi chi phí thuê tư vấn lập Đề cương nhiệm vụ tư vấn sẽ căn cứ vào đâu để xác định.

Xin cảm ơn.

- 2 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Chuyển đổi số quốc gia) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

- Căn cứ khoản 18 Điều 4 Luật Đầu tư công quy định “18. Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư là các hoạt động để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án”.

- Căn cứ Điều 11 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định:

“Điều 11. Chuẩn bị đầu tư

1. Nội dung công việc chuẩn bị đầu tư bao gồm:

a) Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án;

b) Thực hiện khảo sát;

c) Lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án.

2. Chủ đầu tư tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân lập nhiệm vụ khảo sát, thực hiện khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Một tổ chức, cá nhân tư vấn có thể đồng thời thực hiện khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế-kỹ thuật.

3. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư kết thúc khi người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt dự án.”

- Căn cứ khoản 1 Điều 54 Luật Đầu tư công quy định:

“Điều 54. Vốn chuẩn bị đầu tư, vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm

1. Vốn chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án.

…”.

Như vậy, nhiệm vụ khảo sát và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật là nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư. Chi phí thuê tư vấn thực hiện khảo sát và lập báo cáo kinh tế kỹ thuật được bố trí từ vốn chuẩn bị đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công nêu trên.

Trường hợp gặp vướng mắc trong bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để thuê tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật theo quy định của Luật Đầu tư công, quý độc giả liên hệ Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn chi tiết. 

Độc giả: Nguyễn Văn Mười - Hà Nội
muoinv@gmail.com

 Kính gửi: Bộ TT&TT,

Trong Nghị định 73/2019/NĐ-CP có quy định về thiết kế, trong đó có 2 loại thiết kế là thiết kế 1 bước và thiết kế 2 bước. Qua kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác tư vấn các dự án CNTT, tôi xin có đề nghị như sau:

Đề nghị quy định các dự án CNTT chỉ thực hiện thiết kế 1 bước (bỏ yêu cầu thiết kế 2 bước đi). Các lý do chủ yếu cho việc này gồm:

1. Thực sự đối với dự án CNTT không cần đến thiết kế 2 bước (kể cả xét đến quy mô dự án, tính phức tạp của dự án, phân nhóm dự án). Về cơ bản, việc thiết kế cơ sở chỉ cần chi tiết thêm một chút là đã đủ điều kiện để đơn vị thi công có thể triển khai rồi, không cần thiết phải làm cầu kỳ thêm thành 2 bước cho rối rắm, mà thực tế nếu làm thêm bước 2 cũng không chi tiết được bao nhiêu. 

2. Khi rút ngắn được quy trình từ 2 bước xuống còn 1 bước, thì sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện (bao gồm các thủ tục đấu thầu thiết kế, thẩm định, thẩm định giá (bổ sung nếu giá thiết bị có sự thay đổi do thời gian quá lâu)...). Như thế vừa tiết kiệm được thời gian, công sức của các bên liên quan, vừa tiết kiệm chi phí cho NSNN, đồng thời đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giúp dự án sớm hoàn thành, làm tăng hiệu quả đầu tư.

3. Thực tế một số dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thì dự án thường áp dụng kiểu thiết kế 1 bước. Như vậy kinh nghiệm của quốc tế cũng đáng tham khảo và áp dụng.

Kính đề nghị Quý Bộ nghiên cứu để nếu được sẽ đưa vào các Nghị định thay thế hoặc bổ sung, sửa đổi Nghị định 73. Tôi tin rằng, với thay đổi lớn như này (nếu được áp dụng), sẽ tạo ra một cú hích lớn trong công tác lập và triển khai các dự án CNTT sử dụng vốn NSNN, tạo chuyển biến đáng kể trong chiến lược chuyển đổi số mà toàn ngành đang hướng đến.

Xin chân thành cảm ơn Quý Bộ!
- 2 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng cảm ơn ý kiến quan tâm, góp ý của Quý độc giả đối với nội dung này.

Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã có quy định các trường hợp áp dụng thiết kế 1 bước để chủ đầu tư được lựa chọn, phù hợp với dự án cụ thể. Theo đó, tại điểm c khoản 2 Điều 10 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP đã quy định nếu chủ đầu tư xét thấy có đủ năng lực và điều kiện để làm thiết kế chi tiết được từ khi chuẩn bị đầu tư thì được phép thiết kế 01 bước.

Như vậy, quy định hiện hành không bắt buộc tất cả các dự án đều phải làm thiết kế 02 bước mà do chủ đầu tư lựa chọn. 

Độc giả: Lê Thành Long - Hải Phòng
thanhlong374@gmail.com

Ngày 05/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 nhưng không có điều, khoản hướng dẫn điều kiện năng lực cụ thể của nhà thầu tư vấn trong lĩnh vực công nghệ thông tin (lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi; thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật; quản lý dự án; khảo sát; giám sát;...).

Vậy xin quý Bộ cho biết: Điều kiện năng lực cụ thể của nhà thầu tư vấn trong lĩnh vực công nghệ thông tin được hướng dẫn tại văn bản nào? Nếu chưa ban hành thì việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lĩnh vực công nghệ thông tin phải căn cứ vào quy định nào?

Trân trọng cảm ơn./.

 

- 2 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Chuyển đổi số quốc gia) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn chi tiết không quy định điều kiện, năng lực của nhà thầu tư vấn trong hoạt động quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đồng thời, không giao thẩm quyền cho Bộ TT&TT quy định chi tiết vấn đề này. Do đó, căn cứ vào yêu cầu cụ thể của từng dự án, gói thầu, chủ đầu tư xác định năng lực cần có của nhà thầu tư vấn tham gia (lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi; thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật; quản lý dự án; khảo sát; giám sát;...). 

Độc giả: Lê Văn Sỹ - tam kỳ - quảng nam
sile8x@gmail.com

 Xin chào quí cơ quan hữu trách của Bộ Thông tin và Truyền thông!

Ở địa phương tôi hai năm trở lại đây,  loa phát thanh của xã với âm lượng lớn và thời lượng dài, gây ồn ào khó chịu cho người dân. Cụ thể phát hai buổi sáng và chiều, từ 5 giờ đến 7 giờ sáng và từ 17 giờ đến 19 giờ hàng ngày, tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy và chủ nhật.

Người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền xã giảm âm lượng và thời lượng phát thanh để không làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt nhưng vẫn không được giải quyết.

Vậy tôi xin hỏi, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản quy định cụ thể nào về việc phát thanh đối với các địa phương không, để người dân chúng tôi có cơ sở khiếu nại lên cấp cao hơn? 

Xin cảm ơn quí vị.

- 2 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Thông tin cơ sở) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

1. Ngày 14/7/2023, Cục Thông tin cơ sở ban hành Công văn số 623/TTCS-TTTH đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam tiến hành xác minh, giải quyết các nội dung theo kiến nghị của công dân và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát điều chỉnh vị trí cụm loa, hướng loa, âm lượng, khung giờ phát sóng trong khu đô thị, khu dân cư đông đúc phù hợp, đảm bảo hệ thống truyền thanh cơ sở hoạt động hiệu quả, không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

2. Hiện tại, hoạt động phát thanh, truyền thanh của đài truyền thanh cấp xã được quy định tại Mục 1 Chương II của Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở.

Về thời gian phát trong ngày, trong tuần, thời lượng phát mỗi buổi và mức âm lượng cho phép được quy định tại Điều 8 của Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016: “Ủy ban nhân dân cấp xã quy định cụ thể nội dung chương trình, thời điểm, địa điểm, thời lượng, âm lượng phát thanh, truyền thanh phù hợp với đặc điểm riêng có của từng địa phương, cơ sở; bảo đảm các yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu của hệ thống thông tin cơ sở; đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân trên địa bàn; phù hợp với quy định tại Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan”.

3. Về thời gian, thời lượng của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện đang quy định tại Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, cụ thể:

"Điều 6: Nhiệm vụ và quyền hạn:

Tiếp âm, tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện vào các buổi sáng, trưa, chiều.

Điều 8: Tiếp âm, phát sóng:

Thời lượng tiếp âm, phát sóng đảm bảo tối thiểu 180 phút/3 lần/ngày. Cơ cấu thời lượng chương trình đảm bảo 70% thời lượng dành cho tiếp sóng đài cấp trên, 30% thời lượng dành cho chương trình phát thanh, bản tin, thông tin, thông báo của địa phương. UBND huyện, thành phố quy định thời lượng tiếp âm, phát sóng cho Đài Truyền thanh cơ sở tùy thuộc vào đặc điểm của từng địa phương”.

4. Về âm lượng phát thanh thực hiện theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn (QCVN 26:2010/BTNMT) của Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cụ thể:

 “Các nguồn gây ra tiếng ồn do hoạt động sản xuất, xây dựng, thương mại, dịch vụ và sinh hoạt không được vượt quá giá trị quy định tại Bảng 1.

Bảng 1 - Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn

(theo mức âm tương đương), dBA

TT
Khu vực
Từ 6 giờ đến 21 giờ
Từ 21 giờ đến 6 giờ
1
Khu vực đặc biệt
55
45
2
Khu vực thông thường
70
55

Đối chiếu với các quy định hiện hành đã nêu tại văn bản này, đề nghị ông Lê Tiến Sỹ liên hệ trực tiếp với Ủy ban nhân dân xã, phường nơi đặt loa phát thanh để giải quyết nội dung phản ánh của ông. 

Độc giả: Nguyễn Trần Bảo Uyên - Tầng 17 Sonatus Building, 15 Lê Thánh Tôn, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
uyen.nguyen.dhl@gmail.com

 Kính gửi:  BỘ THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG;

 
Doanh nghiệp là: Công ty TNHH Điện Máy Aqua Việt Nam
MST: 3600257517
Số 8, Đường 17A, KCN Biên Hòa 2, Phường An Bình, Biên Hòa, Đồng Nai.
  (sau đây gọi là “AEV”)
 
Bằng văn bản này, AEV kính trình đến Quý Bộ Thông tin truyền thông (“Quý Bộ”) nội dung như sau:
AEV là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Singapore hoạt động sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thiết bị điện tử và điện lạnh gia dụng; và một trong số đó là máy sấy quần áo máy rửa chén.
Căn cứ khoản 14 Điều 3 và điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định số 71/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin, thiết bị điện tử gia dụng thuộc nhóm Sản phẩm phần cứng và bao gồm thiết bị điều hoà không khí, tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi, lò vi sóng, không gồm máy sấy quần áo và máy rửa chén. Đối chiếu tiểu mục 2.3 tại Danh mục sản phẩm phần cứng, điện tử- Phụ lục số 02 Thông tư số 09/2013/TT-BTTTTban hành danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử (TT09), nhóm sản phẩm thiết bị điện tử gia dụng gồm “tủ lạnh và máy làm lạnh, máy giặt, lò vi sóng, máy hút bụi, thiết bị điều hòa không khí, máy hút ẩm, và loại khác”. Do đó, AEV kính mong nhận được sự hướng dẫn của Quý Bộ về việc: Máy sấy quần áo và máy rửa chén bên dưới có thuộc “loại khác” trong nhóm sản phẩm thiết bị điện tử gia dụng tại tiểu mục 2.3 Phụ lục số 02 TT09 hay không?
Sản phẩm
Mã HS
Mã phân loại
(thuộc Hệ thống ngành sản phẩm theo Quyết định 43/2018/QĐ-TTg)
máy rửa chén
8422.1100
2750012
máy sấy quần áo
8451.2100
2750013
Sở dĩ AEV có thắc mắc trên là bởi:
Theo mục 2 Thông báo số 2298/TB-TTKQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/05/2023; tiết a điểm 1.1 khoản 1 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc Hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từ ngày 01/7/2023 đến ngày 31/12/2023 sẽ giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2023, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Căn cứ điểm a, b & c khoản 1 Điều 1 Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc Hội (ND44), một trong các hàng hóa không thuộc diện được giảm thuế GTGT, tức vẫn áp mức thuế suất thuế GTGT là 10% trong giai đoạn từ 01/07/2023 – 31/12/2023, là “sản phẩm thiết bị điện tử gia dụng” liệt kê tại mục III phần B Phụ lục III ND44 về hàng hóa công nghệ thông tin khác theo pháp luật về công nghệ thông tin, bao gồm: “tủ lạnh và máy làm lạnh, máy giặt, lò vi sóng, máy hút bụi, thiết bị điều hòa không khí, máy hút ẩm, và loại khác.
Qua đối chiếu, AEV nhận thấy mục III phần B Phụ lục III ND44 quy định tương tự nội dung tiểu mục 2.3 Phụ lục số 02 TT09 của Quý Bộ. Hiện tại, dù đã có văn bản gửi Cục Thuế địa phương, nhưng AEV vẫn chưa rõ máy sấy quần áo và máy rửa chén có thuộc “loại khác” trong nhóm điện tử gia dụng, nên chưa thể xác định được mức thuế suất thuế GTGT áp dụng cho 02 sản phẩm trên trong khi thời hạn thi hành chính sách đã đến. Vì vậy, AEV khẩn thiết kính mong được Quý Bộ hỗ trợ, giải đáp vướng mắc nêu trên.

Mọi công văn phản hồi xin vui lòng gửi về địa chỉ: Phòng Pháp lý - Văn phòng đại diện tại TP. HCM - Công ty TNHH Điện Máy Aqua Việt Nam; Tầng 17 Tòa nhà Sonatus, 15 Lê Thánh Tôn, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

Xin chân thành cảm ơn./.

 

- 2 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Theo quy định tại Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin và Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử thì Thiết bị điện tử gia dụng là thiết bị điện tử dùng trong các hoạt động của gia đình.”. Trong đó, thiết bị điện tử là những thiết bị có cấu tạo cơ bản bao gồm các linh kiện bán dẫn và các mạch điện tử tích hợp, hoạt động theo các nguyên lý điều khiển của mạch điện tử.

Như vậy, để xác định một sản phẩm có phải là thiết bị điện tử gia dụng theo pháp luật về CNTT trước hết cần phải xem xét, đánh giá các thiết bị này có phải là thiết bị điện tử hay không. Đồng thời, cần xem xét các linh kiện điện tử có phải là những thành phần cơ bản cấu thành chức năng chính của sản phẩm hay không.

Vì vậy, Quý Công ty cần nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng và làm việc với cơ quan thuế, hải quan để xác định mã HS hàng hóa nhập khẩu và được hướng dẫn thủ tục liên quan theo quy định.