Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ năm, ngày 05/10/2023

Tổng hợp hỏi đáp Gửi thông tin hỏi đáp

Độc giả: Phạm Thị Dân - Thôn Tân Lập - xã An Tân - huyện an Lão - tỉnh Bình Định
ptdanvhtt@gmail.com

Kính gửi: Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tôi đang làm việc ở một cơ quan sự nghiệp. Xin Bộ cho tôi hỏi: Trường nào dạy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp Phát thanh viên vậy ạ, và khi nào thì tổ chức mở lớp chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp Phát thanh viên. Vì hiện tại tôi đã tìm và liên hệ rất nhiều trường nhưng chưa có trường nào tổ chức dạy chứng chỉ đó.

Tôi xin cảm ơn!

- 3 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị trên toàn quốc về dự thảo chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Phát thanh viên và dự kiến sẽ ban hành trong quý III/2023 để đưa vào giảng dạy.

Sau khi chương trình bồi dưỡng được ban hành, chị có thể liên hệ với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông để biết thông tin chi tiết.

Địa chỉ: Tầng 19, Tòa nhà VNTA, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Điện thoại: 024 3766 5959

Độc giả: Nguyễn Thế Tiệp - phường Tân Phong, thành phố Lai Châu
minhtiepvov@gmail.com

Ngày 30/6/2022 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BTTT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông.

Ngày 26/8/2022 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BTTT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông; thay thế Thông tư số 11/2016/TTLT-BTTT-BNV  ngày 07/4/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện tại đơn vị, tôi nhận thấy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc đề nghị Bộ giải đáp như:

1.  Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT ngày 25/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông lại chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung theo 02 Thông tư nêu trên nên khi thực hiện còn có sự chồng chéo.

2. Tại điểm c, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT quy định

“c) Đối với viên chức dự xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III: Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV được khen thưởng Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương trở lên hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Vậy các giải thưởng như giải vàng, bạc, đồng, khuyến khích, bằng khen tham dự liên hoan phát thanh, truyền hình toàn quốc và các giải báo chí quốc gia hàng năm có được coi là thàch tích xuất sắc để xét thăng hạng viên chức hay không ?

3. Tôi được biết vừa qua Bộ Nội vụ có Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 23/5/2023 về việc góp ý một số nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và Nghị định số 138/2020/NĐ-CP. Trong đó: Đề xuất bỏ quy định về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (giữ quy định xét thăng hạng).

Vậy Bộ Thông tin và Truyền thông cho tôi hỏi: Trong thời gian tới Bộ có phương án sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT như thế nào ?

4. Hiện nay các Bộ: Y tế, Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo (hạng III lên hạng II)… chỉ quy định xét thăng hạng viên chức thông qua việc xét thẩm định hồ sơ đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện của hạng chức danh. Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông lại quy định việc xét thăng hạng viên chức phải qua 2 vòng: Vòng 1 thẩm định hồ sơ dự xét; vòng 2 kiểm tra sát hạch về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; ngoại ngữ; tin học theo quy định của chức danh nghề ngiệp viên chức.

 Như vậy, việc tổ chức xét thăng hạng ở vòng 2 không khác gì việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, gây áp lực tâm lý đối với viên chức, tốn kém kinh phí cho đơn vị. Do đó, đề nghị Bộ xem xét, nghiên cứu bỏ quy định kiểm tra, sát hạch tại vòng 2 đối với việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (giữ quy định xét thăng hạng thông qua việc thẩm định hồ sơ).

- 3 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ) giải đáp thắc mắc của bạn lần lượt như sau:

1. Do câu hỏi của bạn không nêu rõ sự chồng chéo giữa Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT ngày 25/6/2021 với các Thông tư số 07/2022/TT-BTTT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông; Thông tư số 13/2022/TT-BTTT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông; thay thế Thông tư số 11/2016/TTLT-BTTT-BNV ngày 07/4/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ nên Bộ Thông tin và Truyền thông không thể giải đáp chính xác thắc mắc này của bạn.

Tuy nhiên, trong Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT ngày 25/6/2021, tại Khoản 3 Điều 11 có quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.”. Bạn có thể nghiên cứu thêm nội dung này. 

2. Điểm c, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 03/2021/TT-BTTTT quy định “Đối với viên chức dự xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III: Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV được khen thưởng Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương trở lên hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.

Khoản 1 Điều 1 Thông tư 08/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ về hướng dẫn Nghị định 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật thi đua, khen thưởng có quy định:  

Bộ, ban, ngành trung ương là: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng ở trung ương, Kiểm toán Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể. 

Vì vậy nếu bạn được bằng khen của các tổ chức được quy định nói trên thì sẽ đáp ứng tiêu chuẩn về thành tích xuất sắc để xét thăng hạng viên chức.

3. 4. Sau khi Nghị định số 115/2020/NĐ-CP được sửa đổi, ban hành và có hiệu lực, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sửa đổi Thông tư 03/2021/TT-BTTTT để phù hợp với quy định của pháp luật.

 
Độc giả: Duong - Vĩnh Phúc
hungvinhphuctv@gmail.com

Căn cứ Nghị định số 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức,  Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Biên tập viên và 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Phóng viên.

Vậy cho tôi hỏi: Tôi đã học chương trình bồi dưỡng Biên tập viên hạng II thì khi thi thăng hạng I tôi có phải học lại theo 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Biên tập viên nữa không?

- 3 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Căn cứ khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng  9 năm  2017 về đào tạo, bồi dưỡng  cán bộ, công chức, viên chức, nếu anh, chị đã có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP  thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này.

Độc giả: Nguyễn Lệ Hằng - ngách 68 ngõ 213 Bát Khối, Quận Long Biên, Hà Nội
lehangnguyen2171@gmail.com

Kính gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, 

Em đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Em được biết Tạp chí Thông tin và Truyền thông thuộc quý Bộ. Em muốn gửi đề tài nghiên cứu của bản thân đến Tạp chí Thông tin và Truyền thông, quý Bộ có thể hướng dẫn cách thức thực hiện bao gồm quy định và hướng dẫn gửi bài được không ạ? 

Em rất mong nhận được giải đáp từ quý Bộ, em xin trân trọng cảm ơn. 

- 3 tháng trước
Trả lời:

Tạp chí Thông tin và Truyền thông giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

2.1 Theo thông tin trong câu hỏi tác giả cung cấp, kết quả đề tài của tác giả sẽ có thể được duyệt đăng dưới dạng bài báo khoa học trong “Chuyên san Các công trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông” (Chuyên san). Chuyên san được xuất bản định kỳ theo Quý. Bài được duyệt đăng sẽ được xuất bản đồng thời trên Chuyên san in và Chuyên san điện tử.

Địa chỉ Chuyên san điện tử: https://ictmag.vn

2.2 Thể thức và cách xét duyệt bài báo

- Thể thức: Bài báo được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh; phải được trình bày theo quy cách của bài báo khoa học.

Hướng dẫn cách viết bài báo khoa học tham khảo tại địa chỉ: https://eps.ieee.org/images/files/mc-ieee_author_guide_interactive.pdf

- Nội dung bài báo: Thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, không đạo văn.

- Cách thức gửi bài: Gửi bài trực tuyến qua Chuyên san điện tử Ictmag.vn.

- Cách xét duyệt bài: Bài báo được xét duyệt theo hình thức phản biện kín. Bài báo sẽ đươc gửi xin ý kiến phản biện kín (phản biện kín là các nhà khoa học chuyên ngành được Hội đồng Biên tập của Chuyên san lựa chọn theo theo nội dung của bài báo). Bài báo chỉ được duyệt đăng khi được 2 phản biện đồng ý.

2.3 Hướng dẫn cách gửi bài cho Chuyên san

- Lần đầu, tác giả phải đăng ký tài khoản. Địa chỉ đăng ký tại địa chỉ: https://ictmag.vn/cntt-tt/user/register;

- Tác giả đăng nhập theo tài khoản đã được cấp;

- Tác giả chọn chức năng “New Submission” trên trang Submission

- Tác giả thực hiện việc gửi bài theo các bước hướng dẫn trên trang. Submission.

 

2.4 Thông tin liên hệ: TS. Nguyễn Quang Hưng - Thư ký Hội đồng Biên tập; email: nguyenquanghung@mic.gov.vn.

Độc giả: Trương Thị Tuyết Mai - 62 Trần Quang Khải, phường Tân Định , Quận 1 , Tp.HCM
mai.truong@andpad.co.jp

 Công ty chúng tôi lập trình sản xuất các phần mềm quản lý dự án, quản trị hệ thống doanh nghiệp theo yêu cầu khách hàng ở Nhật Bản, cụ thể là Công ty mẹ ở Nhật.

Công ty mẹ. sẽ hoàn thiện và phân phối các phần mềm này ở Nhật Bản dựa trên nền tảng đám mây qua môi trường mạng (online) và tính phí bản quyền cho việc sử dụng phần mềm hàng năm theo từng tài khoản người dùng (user/năm). Mô hình phân phối sản phẩm phần mềm trên nền tính phí bản quyền hàng năm ở đây được gọi tắt là Software as service (“SaaS”).
 
Sau đó Công ty chúng tôi sẽ mua phí bản quyền sử dụng các phần mềm này từ Công ty mẹ (Nhật Bản) và cung cấp bản quyền sử dụng các phần mềm này cho các khách hàng ở Việt Nam. Vậy việc cung cấp sản phẩm phần mềm theo mô hình SaaS như trên có được xem là cung cấp sản phẩm phần mềm không chịu thuế GTGT không?
 
Xin cám ơn.
- 3 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Công nghiệp CNTT&TT) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

 Để hưởng ưu đãi thuế GTGT để nghị Quý công ty:

- Xác định sản phẩm, dịch vụ mà công ty đang kinh doanh thuộc danh mục phần mềm, dịch vụ phần mềm theo Điều 9 Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ và Thông tư số 20/2021/TT-BTTTT ngày 03/12/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Xác định mức thuế suất, ưu đãi theo Thông tư số 2019/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

Độc giả: Bảo Tuấn - Cần Thơ
tuantop147@gmail.com

Cho tôi xin được hỏi, Phần mềm có được đăng ký xuất bản như các tác phẩm (sách,báo) không?

- 3 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Công nghiệp CNTT&TT) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Theo pháp luật về CNTT, không có quy định về việc đăng ký xuất bản phần mềm.

Theo Luật Xuất bản, phần mềm không thuộc danh mục xuất bản phẩm thuộc quy định của Luật này.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp có thể đăng ký quyền tác giả đối với phần mềm (chương trình máy tính).