Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ năm, ngày 01/06/2023

Tổng hợp hỏi đáp Gửi thông tin hỏi đáp

Độc giả: Nguyễn Bùi Nam - Hạ Long - Quảng Ninh
nguyenbuinam@gmail.com

Theo khoản 1, khoản 2, Điều 21 của Nghị định 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Các Bộ phải có văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Vậy xin quý Bộ cho biết, đối viên chức theo Thông tư 08/2022/TT-BTTTT thì quý Bộ đã có văn bản hướng dẫn chưa? nếu chưa ban hành thì các địa phương muốn xây dựng vị trí việc làm cho viên chức CNTT trong đơn vị sự nghiệp công lập thì có thể vận dụng, áp dụng những quy định nào?

- 1 ngày trước
Trả lời:

Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ TT&TT) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

1. Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị định 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông từ năm 2021 và đã đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và đã gửi xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ; các cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, căn cứ ý kiến của Bộ Nội vụ tại Công văn số 6308/BNV-TCBC ngày 09/12/2021:“Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm và bản mô tả vị trí việc làm viên chức chuyên ngành thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập ngành thông tin và truyền thông để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, quyết định, làm cơ sở ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành thông tin và truyền thông ngay sau khi danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị được Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế phê duyệt.Theo đó, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cân nhắc thời điểm ban hành Thông tư cho phù hợp”. Vì vậy, Thông tư nêu trên chưa được ban hành.

Hiện nay, theo hướng dẫn chung của Bộ Nội vụ vàtiếp thu các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Thông tư, Bộ TT&TT đã hoàn thiện dự thảo Thông tư và dự kiến ban hành trong Quý II/2023.

2. Theo Thông tư 08/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin. Theo đó, Thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin và an toàn thông tin, mỗi chức danh nghề nghiệp có 4 hạng (hạng I, II, III và IV). Theo yêu cầu chung của Bộ Nội vụ, vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành được xác định theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành đã được Bộ quản lý chuyên ngành quy định trong các Thông tư. Dự thảo Thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện cũng đang được hoàn thiện theo hướng dẫn này. Vì vậy, đối với viên chức công nghệ thông tin, trước mắt, đơn vị sự nghiệp có thể áp dụng Thông tư 08/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 để xác định vị trí việc làm trong đơn vị.

Độc giả: Phạm Hồng Thái - huyện Tủa Chùa - tỉnh Điện Biên
phammach1982@gmail.com

Tôi xin hỏi thông tư 03/2021 của bộ quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ngành thông tin và truyền thông có còn hiệu lực không. 

- 3 ngày trước
Trả lời:

Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Thông tư 03/2021/TT-BTTTT ngày 25/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông không thuộc trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực theo quy định tại Điều 154 Luật Ban hành văn bản QPPL. Do đó, thông tư này được xác định là vẫn có hiệu lực.

Tại thông tư số 03/2021/TT-BTTTT có dẫn chiếu đến các văn bản là: Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV; Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT và Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT; hiện nay các thông tư này đã được sửa đổi, thay thế bởi thông tư số 13/2022/TT-BTTTT, Thông tư 08/2022/TT-BTTTT và 07/2022/TT-BTTTT. Tại khoản3 Điều 11 Thông tư 03/2021/TT-BTTTT có quy định “trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó”. Do đó, khi áp dụng Thông tư 03/2021/TT-BTTTT đề nghị dẫn chiếu đến các văn bản đã sửa đổi, thay thế này để triển khai việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ngành thông tin và truyền thông.

 

Độc giả: Bùi Quỳnh Anh - Ban quản lý Khu di tích nhà Trần thị xã Đông Triều, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
quynhanh170399@gmail.com

Xin chào chuyên mục Hỏi - đáp của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tôi đã tìm hiểu một số thông tin liên quan đến trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, tuy nhiên vẫn còn chưa rõ một số vấn đề, xin phép đưa ra một số thắc mắc cần giải đáp, hy vọng được các chuyên gia hỗ trợ trả lời sớm nhất. Câu hỏi cụ thể của tôi như sau: 

1. Hiện nay, cơ quan của tôi đang sử dụng trang web http://nhatranodongtrieu.vn/ để đăng tải thông tin, tuyên truyền quảng bá về di tích lịch sử tại địa phương. Web đã được cấp giấy phép bởi Sở Thông tin truyền thông Quảng Ninh vào năm 2017. Tuy nhiên, hiện nay do nhận thấy giao diện thiết kế website chưa phù hợp và bắt mắt, hấp dẫn người đọc; các chuyên mục trên thanh menu và module ngang, module dọc đã cũ, không phù hợp với tình hình hiện tại. Cơ quan tôi muốn thay đổi thiết kế giao diện cũng như các đề mục trong web, vậy cho tôi hỏi khi làm những việc này cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào và gửi đi đâu (tôi chỉ tìm được thông tư 41/2020/TT-BTTT nhưng lại không thấy mục dành cho trang tin điện tử của cơ quan nhà nước). 

2. Hiện tại website chưa được bảo mật, vậy tôi muốn đăng ký tín nhiệm mạng thì có thể thực hiện luôn hay cần tạo bảo mật cho website trước. 

Rất mong được quý Bộ giải đáp, tôi xin chân thành cảm ơn! 

- 6 ngày trước
Trả lời:

Đối với câu hỏi “Hiện tại website chưa được bảo mật, vậy tôi muốn đăng ký tín nhiệm mạng thì có thể thực hiện luôn hay cần tạo bảo mật cho website trước”, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 25, Luật an toàn thông tin mạng, “Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm thực hiện bảo vệ hệ thống thông tin theo quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Luật này”. Do vậy việc bảo đảm an toàn thông tin cho website là hoạt động chủ quản website cần thực hiện theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng.

Việc đăng ký tín nhiệm mạng là một trong những hoạt động chủ quản website có thể thực hiện giúp người dùng khi truy cập vào website dễ dàng nhận biết được website của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã vượt đã đạt được các tiêu chí cấp chứng nhận “Tín nhiệm mạng” hay chưa. Để đăng ký Tín nhiệm mạng trong hệ sinh thái tín nhiệm mạng tại địa chỉ “https://tinnhiemmang.vn”, cần đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí và thực hiện theo quy trình, hướng dẫn tại địa chỉ: https://tinnhiemmang.vn/danh-cho-website. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể đăng ký tín nhiệm mạng cho website ngay, tuy nhiên để được cấp “Nhãn tín nhiệm” website phải vượt qua được các tiêu chí như đã công bố, nếu website không vượt qua được các tiêu chí này thì sẽ không được cấp nhãn tín nhiệm.

Độc giả: Hoàng Thu - Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên
thuhttn@yahoo.com

 Kính gửi Bộ Thông tin và Truyền thông,

Tôi đang công tác tại một Tạp chí khoa học thuộc một Trường Đại học công lập của Việt Nam. Tôi có một câu hỏi kính mong được Quý cơ quan hồi đáp.

Trường Đại học nơi tôi đang công tác đã thực hiện quy trình bổ nhiệm Tổng Biên Tập của Tạp chí khoa học theo Luật Báo chí và Quy định bổ nhiệm số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư Trung ương. Cơ quan chủ quản báo chí đã làm văn bản kèm hồ sơ bổ nhiệm Tổng Biên Tập dự kiến gửi cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương để thống nhất ý kiến theo quy định.

Sau khi có ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản trả lời đồng ý thoả thuận bổ nhiệm Tổng Biên Tập của Tạp chí. Công văn của Bộ Thông tin và Truyền thông được ban hành và gửi đến cho Trường Đại học vào thời điểm Quy định 101-QĐ/TW ngày 28/2/2023 của Ban Bí thư Trung ương ra đời, bắt đầu có hiệu lực và thay thế cho Quy định số 75-QĐ/TW.

Vậy Trường Đại học cần phải thực hiện tiếp Quy trình bổ nhiệm Tổng Biên Tập Tạp chí như thế nào? áp dụng theo quy định nào (quy định số 75-QĐ/TW hay quy định số 101-QĐ/TW hay quy định khác)?

Rất mong nhận được câu trả lời vấn đề trên của Quý cơ quan.

Trân trọng cảm ơn.
- 17 ngày trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Báo chí) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Khoản 1 Điều 7 Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28/02/2023 của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí quy định: Quy trình, thủ tục bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và thuộc cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định khác có liên quan của cấp có thẩm quyền.

Như vậy, Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28/02/2023 của Ban Bí thư không quy định về quy trình, thủ tục bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc diện nêu tại Khoản 1 Điều 7.

Do đó, cơ quan chủ quản là Trường Đại học công lập (thuộc diện quy định tại Khoản 1 Điều 7, Quy định số 101-QĐ/TW), sau khi đã nhận được văn bản đồng ý thỏa thuận bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông, tiếp tục thực hiện quy trình bổ nhiệm Tổng biên tập theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định khác có liên quan của cấp có thẩm quyền. 

Độc giả: Tạ Đức Hiện - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên
hienkhcn@gmail.com

Kính gửi Quý Bộ.

Tôi hiện đang công tác tại Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên. Trong quá trình quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh), có nội dung chưa rõ, muốn Quý Bộ hướng dẫn, giải đáp thêm:

Theo Thông tư 03/2020/TT-BTTTT ngày 24/02/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc lập đ cương và dự toán chi tiết đi với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vn ngân sách nhà nước. Thì nội dung hoặc hạng mục ứng dụng CNTT cần phải thẩm định và phê duyệt Đề cương và dự toán chi tiết.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hạng mục ứng dụng CNTT là 1 phần của đề tài, dự án KH&CN. Trong khi tỉnh Thái Nguyên có quy định riêng đối với việc quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN (về cơ bản, trong quy định quản lý, không đặt vấn đề phê duyệt riêng nội dung mà sẽ phê duyệt tổng thể đề tài, dự án bằng 1 quyết định của UBND tỉnh). Khi đó, xảy ra vướng mắc đó là: Nếu áp dụng quy định tại Thông tư 03/2020/TT-BTTTT thì phải phê duyệt đề cương và dự toán của 1 nội dung (hạng mục) ứng dụng CNTT của đề tài, dự án. Sau đó, lại trình phê duyệt tổng thể đề tài, dự án KH&CN. Như vậy là có 2 lần phê duyệt (1 lần phê duyệt thành phần, và một lần phê duyệt tổng thể).

Trong thực tế, cách làm của địa phương như sau: Gửi nội dung (hạng mục) ứng dụng CNTT sang thẩm định bên Sở Thông tin và Truyền thông. Sau đó, tổng hợp nội dung và dự toán này vào chung với nội dung và dự toán của cả đề tài dự án. Tiếp theo, thực hiện trình UBND tỉnh phê duyệt triển khai (mà không có bước phê duyệt đề cương và dự toán phần mềm nữa).

Xin hỏi quý Bộ hướng dẫn thêm đối với nội dung này để thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Xin trân trọng cảm ơn.

- 24 ngày trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Chuyển đổi số quốc gia) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, phạm vi điều chỉnh của Nghị định là các hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước.

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, “Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước là việc sử dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước và giữa các cơ quan nhà nước, trong giao dịch của cơ quan nhà nước với tổ chức và cá nhân; hỗ trợ đẩy mạnh cải cách hành chính và bảo đảm công khai, minh bạch.

Căn cứ khoản 3, khoản 13 Điều 3 Luật khoa học và công nghệ, hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ.

Như vậy, trường hợp hạng mục ứng dụng CNTT là 1 phần của đề tài, dự án nghiên cứu KH&CN, không phải hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT./.

Độc giả: NGUYỄN TẤN KIỆT - 585 đường Phạm Hùng, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang
nguyentankiet1974@gmail.com

Nghị định 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của chính phủ về đào tạo cán bộ, công chức, viên chức. Tại điều 2, khoản 2 : " Các cơ quan được giao xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý tại khoản 6 điều 1 Nghị định này phải  ban chương trình trước ngày 01/7/2022". 

Vậy cho tôi hỏi: Lý do gì tới thời điểm này Bộ Thông tin và Truyền thông chưa ban hành chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc ngành thông tin và truyền thông để cho viên chức thuộc lĩnh vực này được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của chính phủ (Trong khi các lĩnh vực khác lại được Bộ TT&TT bàn hành). Điều này không công bằng cho viên chức trong ngành. Một lần nữa cho tôi xin hỏi bao giờ Bộ TT& TT mới ban hành và tổ chức triển khai bồi dưỡng cho các viên chức chuyên ngành âm thanh viên, phát thanh viên .

Trân trọng cảm ơn!

- 1 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Ngày 18 tháng 10 năm 2021 Chính phủ có ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong đó có quy định mỗi tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành có 01 chương trình, tài liệu bồi dưỡng.

Căn cứ theo quy định mới tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ nói trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông.

Trên cơ sở 02 văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức xây dựng ngay chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim.Tuy nhiên việc xây dựng chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp áp dụng trong toàn quốc nên cần có thời gian nhất định để nghiên cứu, xây dựng, thẩm định qua từng cấp đảm bảo chất lượng và phù hợp với thực tiễn.

Hiện nay 04 chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim đang được gửi xin ý kiến góp ý của Sở Thông tin và Truyền thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đài Phát thanh và Truyền hình 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Đài Truyền hình trong toàn quốc để hoàn thiện trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành.