Sau 6 năm thực thi luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đi vào thực tế, tỷ lệ người hút thuốc lá chỉ giảm 2%.

Các bộ ngành ở trung ương chưa thực hiện hoạt động kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá của các cơ quan.

Sau 6 năm thực thi luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đi vào thực tế, tỷ lệ người hút thuốc lá chỉ giảm 2%. Người dân có nhận thức về tác hại nhưng vẫn hút thuốc tại các cơ sở vui chơi giải trí, bệnh viện, nơi đông người.

Mặc dù hầu hết các cấp chính quyền, cơ quan trung ương và địa phương đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống thuốc lá, phân công tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động còn mang tính hình thức chứ chưa đi vào thực chất. Công tác phối hợp giữa ban, ngành, cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm pháp luật chưa chặt chẽ, đồng bộ, không chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là với quy định cấm hút thuốc tại địa điểm cấm hút.
 
Các hãng sản xuất, phân phối thuốc lá tìm cách để quảng cáo sản phẩm tới người tiêu dùng, cửa hàng, chợ, siêu thị… vẫn tự do bán thuốc lá. Giá của một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất chỉ 6.000 đồng, phổ biến là ở mức dưới 20.000. Những năm qua, giá thuốc lá hầu như không tăng. Sản phẩm được bán ở quầy tạp hóa, hàng rong, quán cà phê, nhà hàng, địa điểm vui chơi, bán lưu động trên phố, quán nước vỉa hè... Thuốc lá trở nên dễ tiếp cận với cả nhóm thu nhập thấp và thanh thiếu niên.
 
thuoxc-la-bai-4-copy.jpg
 
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 43 chất gây ung thư, gây ra 25 căn bệnh nguy hiểm khác nhau như ung thư phổi, bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn, vô sinh.... nhưng nhiều người dân mù tịt về tác hại của thuốc lá.
 
Để bảo vệ thế hệ trẻ trước nguy cơ nghiện chất nicotine, các tác hại đối với sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá, ngăn chặn các chiến thuật quảng cáo có hệ thống của ngành công nghiệp thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020: "Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá". 
 
WHO cho biết mỗi năm có 8 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá mỗi năm trên toàn cầu. Hơn 1 triệu người chết vì các bệnh do hút thuốc lá thụ động mỗi năm trên toàn thế giới.
 
Vì thế,  Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định: Cấm hút thuốc lá tại cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc và trên phương tiện giao thông công cộng; Cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà của nhà hàng, quán cà phê; Cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà của bến tàu, bến xe. Mọi người có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.
 
Theo thống kê, đến nay đã có 1.560 cơ quan hành chính, 3.778 trường mẫu giáo, 3.577 trường tiểu học, 2.502 trường trung học cơ sở, 1.010 trường trung học phổ thông thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên và trong nhà, 169 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại khu vực trong nhà, 208 công ty xe khách thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và cấm hút thuốc trên xe khách, 4.442 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà, 508 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong khuôn viên và trong nhà, 305 nhà hàng, 400 khách sạn thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong nhà. Bên cạnh đó, các mô hình địa điểm không khói thuốc như "thành phố du lịch không khói thuốc", "khách sạn không khói thuốc", "điểm du lịch không khói thuốc", "nhà hàng không khói thuốc", "cơ sở y tế không khói thuốc", "trường học không khói thuốc" cũng được tích cực triển khai. Sau 6 năm triển khai, đã có 4 thành phố xây dựng mô hình "thành phố du lịch không khói thuốc" là thành phố Hạ Long, Nha Trang, Hội An, Vũng Tàu.