Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chủ nhật, ngày 04/06/2023

KẾT QUẢ PHÁP ĐIỂN LUẬT CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Điều 3.2.LQ.2. Đối tượng áp dụng

25/12/2015 09:03 SA Xem cỡ chữ

Điều 3.2.LQ.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2Luật số 67/2006/QH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007)
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.
 
Điều 3.2 NĐ 1.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/5/2007)
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước bao gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước.
 
Điều 3.2.NĐ.2.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Nghị định số 71/2007/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày  08/06/2007)
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin trên lãnh thổ Việt Nam.
 
Điều 3.2.NĐ.4.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/7/2011)
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục, Cục và cơ quan tương đương; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan chuyên môn trực thuộc; Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
2. Các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
3. Cơ quan, tổ chức nhà nước khác tự nguyện áp dụng các quy định của Nghị định này.
 
Điều 3.2.NĐ.5.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Nghị định số NĐ 52/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013)
1. Nghị định này áp dụng đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:
a) Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam;
b) Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam;
c) Thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.
2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý của từng thời kỳ để hướng dẫn các biện pháp quản lý đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành hoạt động thương mại điện tử với chủ thể Việt Nam.
 
Điều 3.2.NĐ.6.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2013)
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.
 
Điều 3.2.TT.1.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 03/2008/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/04/2008)
Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuộc các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn.
 
Điều 3.2.TT.4.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 26/2009/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2009)
1. Thông tư này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức sự nghiệp trực thuộc; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan chuyên môn trực thuộc; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, có trang thông tin điện tử (sau đây gọi là cơ quan nhà nước).
2. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức không thuộc đối tượng áp dụng nêu trên vận dụng và thực hiện những quy định tại Thông tư này một cách phù hợp.
 
Điều 3.2.TT.5.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 28/2009/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/11/2009)
Thông tư này được áp dụng đối với:
1. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, đại lý Internet; các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, đại lý, phân phối, bán lẻ hệ thống thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin, bao gồm cả phần cứng và phần mềm;
2. Các cơ quan nhà nước, bao gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước để thiết kế và xây dựng trang thông tin điện tử;
3. Các đài truyền hình được cấp phép hoạt động tại Việt Nam;
4. Các tổ chức cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hành chính công.
 
Điều 3.2.TT.8.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 12/2010/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/7/2010)
Thông tư này áp dụng cho các đối tượng:
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị là chủ đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP, sau đây gọi tắt là Đơn vị báo cáo.
2. Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đầu mối thu thập thông tin từ các chủ đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương mình, sau đây gọi tắt là Đơn vị đầu mối.
Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin không thuộc đối tượng nêu tại khoản 1 Điều này tổng hợp thông tin dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn tại Thông tư này và gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án ứng dụng công nghệ thông tin.
Điều 3.2.TT.9.1. Đối tượng áp dụng
(Điều 1 Thông tư số 21/2010/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/09/2010)
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng không yêu cầu phải lập dự án.
 
Điều 3.2.TT.10.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 23/2010/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2010)
1. Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Đơn vị đầu mối), chủ đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
2. Các cơ sở tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
 
Điều 3.2.TT.11.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 25/2010/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2011)
1. Cơ quan nhà nước theo quy định tại Nghị định 64/2007/NĐ-CP đang quản lý, vận hành cổng thông tin điện tử (sau đây gọi là cơ quan chủ quản).
2. Cá nhân khai thác, sử dụng cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
 
Điều 3.2.TT.12.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 02/2011/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2011)
Thông tư này áp dụng đối với chủ đầu tư, đơn vị thụ hưởng (chủ sở hữu hoặc chủ quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án) và các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình đầu tư, bảo hành, vận hành các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
 
Điều 3.2.TT.13.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 05/2011/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2011)
Thông tư này được áp dụng đối với:
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (sau đây gọi tắt là người sử dụng dịch vụ).
2. Doanh nghiệp, đại lý cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (sau đây gọi tắt là bên cung cấp dịch vụ).
3. Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý nhà nước).
 
Điều 3.2.TT.14.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 06/2011/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2011)
Tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định 102/2009/NĐ-CP).
Khuyến khích tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn khác áp dụng các quy định tại Thông tư này.
 
Điều 3.2.TT.16.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 23/2011/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2011)
1. Các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, vận hành, sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
2. Các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước tại Trung ương, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 3.2.TT.17.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 24/2011/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2011)
1. Thông tư này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục, Cục và cơ quan tương đương; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan chuyên môn trực thuộc; Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cơ quan chủ quản).
2. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức không thuộc đối tượng áp dụng nêu trên vận dụng và thực hiện những quy định tại Thông tư này một cách phù hợp.
 
Điều 3.2.TT.21.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/05/2013)
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin, quản lý, sản xuất, kinh doanh sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử tại Việt Nam.
 
Điều 3.2.TT.23.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 01/2014/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/04/2014)
1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (sau đây gọi chung là các cơ quan, tổ chức).
2. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp không thuộc đối tượng nêu tại Khoản 1 Điều này áp dụng các quy định trong Thông tư này khi đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.
 
Điều 3.2.TT.27.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2015)
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động liên quan đến hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm.
 
Điều 3.2.TT.28.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 20/2014/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2015)
1. Thông tư này áp dụng đối với:
a) Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là các cơ quan, tổ chức nhà nước) sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ cho các hoạt động không nhằm mục đích thương mại;
b) Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia xây dựng, cung cấp phần mềm cho cơ quan, tổ chức nhà nước.
2. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức không thuộc đối tượng nêu tại Khoản 1 Điều này áp dụng các quy định trong Thông tư này.
 
Điều 3.2.TT.29.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014, có hiệu lực kể từ ngày20/01/2015)
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng.
2. Thương nhân, tổ chức thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
3. Người bán trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
4. Thương nhân, tổ chức hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử.
5. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc phản ánh trực tuyến trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
 
Điều 3.2.TT.32.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 28/2014/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/02/2015)
Thông tư này áp dụng đối với các phòng thử nghiệm(của quốc gia khác  hay vùng lãnh thổ khác) hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin; và các cơ quan đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông theo các quy định hiện hành của Việt Nam.
 
Điều 3.2.TT.33.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 11/2015/TT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/06/2015)
1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến việc đánh giá kỹ năng chuyên ngành của nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), trong hoạt động đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng các kỹ năng chuyên ngành.
2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng Thông tư này trong việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tuyển dụng, sử dụng lao động; học tập, nâng cao trình độ và các hoạt động khác liên quan đến việc đánh giá trình độ, kỹ năng chuyên môn của nhân lực CNTT.
 
Điều 3.2.TL.1.2. Các cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác có sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng quy định tại Thông tư này để quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
(Điều 2 Thông tư Liên tịch số 43/2008/TTLT-BTC-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/6/2008)
 
Điều 3.2.TL.4.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2012)
Thông tư này áp dụng cho các cơ quan nhà nước, các cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội được cấp ngân sách nhà nước cho chi ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm:
1. Cơ quan Trung ương:
a) Các cơ quan nhà nước thuộc Trung ương.
b) Các cơ quan Trung ương khác được cấp ngân sách nhà nước cho chi ứng dụng công nghệ thông tin.
2. Cơ quan địa phương:
a) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp.
b) Các cơ quan nhà nước thuộc ngành dọc tại địa phương.
c) Các cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương được cấp ngân sách nhà nước cho chi ứng dụng công nghệ thông tin.
d) Các cơ quan khác tại địa phương được cấp ngân sách nhà nước cho chi ứng dụng công nghệ thông tin.
 
Điều 3.2.TL.5.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư Liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/08/2012)

Thông tư này áp dụng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan và tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. 

Lượt truy cập: 2441

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 7)